TOUR FREE & EASY BUÔN MA THUỘT
Trọn gói Vé máy bay khứ hồi + 02 đêm Khách sạn 3* DamSan + Xe đưa đón
Gói tour này được thiết kế dành cho những người muốn đi Buôn Mê Thuột nhưng chưa biết mình sẽ đi bằng phương tiện gì hay ở khách sạn nào. Hãy để chúng tôi hỗ trợ chuyến đi của bạn đơn giản hơn và an toàn hơn bằng gói [Free&Easy Buôn Ma Thuột] bao gồm vé máy khứ hồi + xe đưa đón sân bay & 02 đêm phòng khách sạn Damsan tiêu chuẩn 3sao của Ezfree.vn nhé.
Ezfree.vn tự hào là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ [Free&Easy Buôn Ma Thuột]!
TRỌN GÓI 3N2Đ CHỈ TỪ: 3,660,000 VNĐ/KHÁCH
(áp dụng các tháng 01 / 2020)
THÔNG TIN KHÁCH SẠN ĐAM SAN BUÔN MÊ
Dam San Hotel cung cấp chỗ nghỉ tại thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột 900 m. Khách sạn có Wi-Fi miễn phí, hồ bơi ngoài trời mở cửa quanh năm, tiện nghi BBQ, phòng xông hơi khô và nhà hàng. Chỗ đỗ xe riêng miễn phí được bố trí ngay trong khuôn viên.
Mỗi phòng nghỉ tại đây đều được trang bị TV truyền hình cáp màn hình phẳng. Một số phòng nhìn ra quang cảnh núi non/hồ bơi. Các phòng đi kèm phòng tắm riêng với bồn tắm, dép và đồ vệ sinh cá nhân miễn phí.
Lễ tân của khách sạn phục vụ 24 giờ/ngày.
Du khách có thể chơi tennis tại khách sạn. Sân bay gần nhất là sân bay Buôn Ma Thuột, cách chỗ nghỉ 7 km.
THÔNG TIN DU LỊCH BUÔN MA THUỘT
BUÔN JUN – HỒ LẮK
Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Buôn Jun, một buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, nằm cạnh hồ này. Xung quanh hồ còn có những kiến trúc lịch sử như biệt điện của hoàng đế Bảo Đại, nhà dài của người M'Nông. Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng. Đây là hồ tự nhiên có độ lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ rộng trên 5 km², được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Theo truyền thuyết hồ Lắk được tạo ra bởi anh hùng lắk liêng người dân tộc M'Nông.
Khung cảnh thơ mộng của hò Lak mỗi khi chiều xuống
Bên Hồ Lắk có buôn Jun và buôn M'Liêng, những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông, hai buôn này được tổ chức thành một điểm du lịch quan trọng ở Đăk Lăk như nhữngbuôn bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc bản địa Tây nguyên. Ở đây còn lưu giữ được rất nhiều những ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh vách thưng liếp nứa và một đàn voi hơn 10 con. Du khách đến đây không chỉ tham quan hồ Lắk mà còn thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, t'rưng, k'lông pút, đàn đá,cưỡi voi hoặc dùng thuyền độc mộc đi dạo trên hồ hoặc vượt qua hồ.
Lễ hội đua voi truyền thống thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm
Ngôi nghà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa nằm cạnh hồ, trên đỉnh đồi sau lưng thị trấn Liên Sơn. Đây là nơi vua Bảo Đại thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên Đắk Lắk. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao có góc nhìn rất đẹp bao quát gần như trọn mặt nước của hồ Lắk được xây cùng năm với Chùa Khải Đoan và được đích thân Nam Phương Hoàng hậu chịu trách nhiệm quản lý việc đầu tư xây dựng.
LÀNG CÀ PHÊ TRUNG NGUYÊN
Nằm ở phía Tây Bắc TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, làng cà phê Trung Nguyên là một địa điểm du lịch nổi tiếng với không gian văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Với diện tích 20.000m2, ngôi làng cà phê này là nơi thưởng thức cà phê trong không gian khác nhau với những nét đặc trưng độc đáo riêng biệt của vùng đất đại ngàn, từ văn hóa đến vẻ đẹp của tự nhiên được thổi vào phong cách thiết kế, chất liệu, bài trí. Điểm hấp dẫn nhất ở nơi đây là khu thưởng thức, với ba gian nhà theo phong cách những ngôi nhà rường cổ ở Huế được bao quanh bởi những vườn cây xanh tốt. Ở đây, du khách sẽ được ngồi thưởng thức những tách cà phê thơm nồng trong không gian trầm mặc cổ kính đậm chất Việt. Bên khu nhà cổ còn có khu thưởng thức mang phong cách trẻ trung, hiện đại. Những tách cà phê nguyên chất hòa quyện với hương thơm của các loài hoa lan tỏa trong vườn sẽ đem lại cho du khách cảm giác khó quên. Trong làng cà phê còn có một khu bảo tàng cà phê được xây dựng theo kiểu nhà dài của người Ê Đê, được làm hoàn toàn bằng gỗ. Đây là nơi giúp du khách tận mắt chứng kiến những hiện vật liên quan đến chế biến cà phê trên thế giới. Bảo tàng trưng bày hơn 500 hiện vật từ đơn sơ đến cầu kỳ, phức tạp thể hiện văn hóa thưởng thức cà phê phong phú của nhiều quốc gia.
Nơi quý khách có những trải nghiệm về cà phê và hiểu hơn về giá trị của cà phê
Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức những cuộc trình diễn nghệ thuật pha chế cà phê của các nền văn hóa khác nhau như nghệ thuật pha chế cà phê Capuchino của Italia, cách đun xay cà phê của Nhật… Làng cà phê cũng có một khu trưng bày và bán những món quà mang bản sắc văn hóa miền cao nguyên, những đặc sản địa phương và các sản phẩm cà phê đặc biệt. Bao bọc xung quanh làng cà phê là khu vườn cà phê xanh mướt với nhiều chủng loại cây cà phê như Robusta, Arabica, Excelsa… Trong làng cà phê có những dòng suối nhỏ chảy quanh, tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, thoáng đãng.
THÁC DRAY NUR – SÔNG SÊ RÊ PỐK
Cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30km theo hướng về Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói Dray Nur là một ngọn thác hùng vĩ nhất Tây nguyên với độ cao 30m trải rộng ra khoảng 150m chia đôi hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Dòng Dray Nur là một nhánh thuộc hệ thống sông Sêrêpôk được kết hợp giữa con sông đực Krông Nô và con sông cái Krông Ana. Thác "Draynur" mang nghĩa là thác Cái. Do vậy, danh thắng này còn được gọi là thác Vợ. Thác Draynur được ít người biết đến vì lầm tưởng nằm trong cụm thác Draysap nhưng thực ra khi đến đây dòng sông Serepok chia ra làm hai nhánh nhỏ đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới, cách đó không xa.
Dray Nur - ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên
Chuyện kể rằng, xa xưa, tại nơi này, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc. Hồi ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết một cô gái bên kia sông. Nhưng vì họ là con của hai dòng tộc có mối hiềm khích lâu đời nên tình yêu của họ không được chấp nhận. Đau khổ vì tình yêu vô vọng, trong một đêm trăng, đôi trai gái cùng nhau gieo mình xuống dòng sông để mong được bên nhau mãi mãi. Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, dông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào. Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, thác Dray Nur và Dray Sáp là hai người anh em song sinh. Khi Mẹ Đất chuyển dạ, tại phía thượng nguồn, người anh Dray Nur ra đời trước, được nhận những đức tính hiền hòa của người mẹ nên quanh năm reo chảy êm đềm. Còn ở phía hạ nguồn, người em Dray Sáp ra đời sau thừa hưởng sự hùng dũng của người cha nên đổ dòng ầm ào, cuồn cuộn quanh năm suốt tháng.
Khung cảnh múa hát trong các dịp lễ hội của người dân ở Tây Nguyên
Về tên thác, người già ở buôn Kuốp, buôn sống cạnh dòng thác từ ngàn đời nay, thường truyền nhau câu chuyện rằng, ngày xửa, ngày xưa, vua Thủy Tề có người con trai là hoàng tử Nur khôi ngô, tuấn tú, rất thích chu du ngắm cảnh. Trong một lần lên trần gian, hoàng tử gặp hai nàng công chúa xinh đẹp. Do cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, khi vua cha qua đời, hai công chúa bị bỏ rơi, nghèo khổ, ngày ngày, họ phải đào củ mài ăn để sống. Hoàng tử Nur đã giúp đỡ họ nên được hai công chúa đem lòng yêu thương và họ chung sống cùng nhau. Dù vậy, khi nhớ vua cha, hoàng tử Nur lại quay về. Khi chia tay, chàng hóa thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác. Sau đó, vì nhớ da diết hai công chúa, hoàng tử lại rời vua cha lên trần gian với vợ. Theo tiếng Êđê, Dray có nghĩa là thác, Nur là con dúi, nên từ đó, ngọn thác nơi hoàng tử hóa thân mang tên là Dray Nur.
Những du khách thích mạo hiểm thường tìm cách lách người qua vách đá cạnh dòng thác đổ để vào khoảng không gian mờ ảo bên trong rộng hàng ngàn m2, nơi xưa kia hoàng tử Nur hóa thân để cảm nhận làn hơi nước mát lạnh lan tỏa, hay giang tay nhảy từ chiếc cầu nhỏ vào vùng nước trong xanh dưới chân ngọn thác.